Sản phẩm đã xem

Sản phẩm đã xem

0227.3847.847 CSKH ( 7H30 - 21H )

Tư vấn trực tuyến chủ đề Sử dụng tiết kiệm điện trong gia đình

29-05-2019, 9:43 am

Trung bình, điều hòa chiếm khoảng 30% lượng điện tiêu thụ một năm, sau đó đến bình nóng lạnh, chiếm 18-20%, tủ lạnh là 16-18%.

Buổi tư vấn trực tuyến chủ đề "Sử dụng tiết kiệm điện trong gia đình" thu hút lượng quan tâm lớn của độc giả với hàng trăm câu hỏi gửi về chương trình. Trong đó, nhiều bạn thắc mắc thiết bị nào tốn điện nhất, cách sử dụng điều hòa, bình nóng lạnh hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng  - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu tính ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trong 4 tháng hè sử dụng điều hòa, tiêu thụ điện sẽ chiếm khoảng 30-70% lượng tiêu thụ điện của cả gia đình. Sau đó đến bình nóng lạnh, chiếm 18-20%/ năm, tủ lạnh chiếm 16-18%. Còn lại, máy giặt, nồi cơm điện, bếp từ, lò nướng, hệ thống chiếu sáng tinh vi... chiếm khoảng 40-50%.

Để tiết kiệm điện hộ gia đình một cách tổng thể, nhất là trong dịp hè nắng nóng, ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, trước hết bạn nên đánh giá việc sử dụng điện trong gia đình như thế nào, đã hợp lý chưa. Tiếp theo lựa chọn và trang bị những thiết bị điện có hiệu suất cao, tiết kiệm điện (là các thiết bị được dán nhãn so sánh hoặc nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng - ngôi sao năng lượng, do Bộ Công Thương quy định), đặc biệt là các thiết bị điện có mức tiêu thụ điện nhiều như điều hoà, tủ lạnh, máy giặt, mấy sấy, bơm điện...

Cụ thể, bình nóng lạnh không nên bật bình liên tục, chỉ nên bật khoảng 30 phút trước khi. Các thiết bị điện (TV, dàn loa, sạc điện thoại, đầu kỹ thuật số...) khi không sử dụng nên tắt.

Về điều hòa, bạn nên đặt ở nhiệt độ 26 độ C hoặc cao hơn, kết hợp sử dụng quạt sẽ giúp tiết kiệm năng lượng khoảng 3%. Ngoài ra, bạn nên sử dụng bóng đèn led sẽ tiết kiệm điện hơn bóng sợi đốt. Nếu bóng led đạt chuẩn, lượng điện tiêu thụ chỉ bằng 1/8 đến 1/10 so với bóng đèn sợi đốt (cùng độ sáng).

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn

- Tôi chưa hiểu tại sao điện dùng càng nhiều càng tăng tiền? Điều này đi ngược với mọi loại sản phẩm khác mua càng nhiều giá càng rẻ, càng khuyến mãi. (Lâm Hồng, 32 tuổi, 17 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi, tôi xin trả lời như sau: đa số các loại hàng hóa khác khi cung thừa so với cầu thì người ta giảm giá để khuyến khích tăng lượng bán ra, nhưng sản phẩm điện ở Việt Nam thì ngược lại, chúng ta còn thiếu điện so với nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, điện được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, khí, dầu và đang có nguy cơ cạn kiệt dần, chúng ta phải nhập khẩu nhiên liệu nên nhà nước đã ban hành chính sách càng sử dụng nhiều điện càng phải trả nhiều tiền để khuyến khích tiết kiệm điện (chính sách này là kinh nghiệm và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

- Các thiết bị như tủ lạnh, điều hòa, bình nóng lạnh, máy sấy quần áo, có chỉ số đo về độ tiêu tốn điện không? (Kim My, 35 tuổi, Minh Khai, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Nhiệt-lạnh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội:

Trong gia đình, thiết bị tiêu thụ điện nhiều nhất là điều hòa không khí. Nếu tính trung bình lượng điện tiêu thụ của điều hòa so với các thiết bị khác trong một năm thì tính khoảng 1/3, sau đó đến bình nóng lạnh, chiếm 18-20%/ năm, tiếp tục là tủ lạnh chiếm 16-18%. Còn lại, máy giặt, nồi cơm điện, bếp từ, lò nướng, hệ thống chiếu sáng tinh vi... chiếm khoảng 40-50%.

Nếu tính như ở khu vực miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội, thì trong 4 tháng sử dụng điều hòa, tiêu thụ điện sẽ chiếm khoảng 30-70% tiêu thụ của cả gia đình.

- Cho tôi hỏi, hiện nay chính sách khuyến khích sử dụng điện năng lượng mặt trời nhằm giảm áp lực cho nguồn điện quốc gia đang được thực hiện, khi người dân tham gia vào ứng dụng điện năng lượng mặt trời thì họ cũng cần nhìn thấy cái lợi ích của họ mang lại đặc biệt là họ có thể bán điện lại cho EVN. Muốn làm được điều đó thì cần phải qua khâu kiểm định và lắp đặt công tơ 2 chiều, việc này không hề dễ dàng và nhiều người dân không biết cái thủ tục này làm như thế nào cả, vậy Bộ Công thương và EVN đã có những thông tư cụ thể nào hướng dẫn trực tiếp đến người dân để hỗ trợ họ chưa? (Bui Van Binh, 40 tuổi, Bắc Ninh)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi, tôi xin trả lời như sau: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã có chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực (TCTĐL), Công ty Điện lực (CTĐL) trực thuộc triển khai các quy định về đấu nối, lắp đặt công tơ 2 chiều và ký kết hợp đồng mua bán điện trên mái nhà. Các thủ tục này đều đã được niêm yết công khai trên các trang web của các TCTĐL/CTĐL và phòng giao dịch khách hàng của các CTĐL. Khách hàng có thể liên hệ với số điện thoại chăm sóc khách hàng ở các khu vực để được hướng dẫn (miền Bắc: 1900 6769; miền Trung: 1900 1909; miền Nam: 1900 1006; Hà Nội: 1900 1288 và TP HCM: 1900 545454).

- Thời gian dùng điện có ảnh hưởng gì đến việc tiết kiệm điện không? Ví dụ dùng nhiều điện vào ban ngày và ban đêm có gì khác nhau, vì tôi có nghe đến giá điện cao điểm và thấp điểm. (Linh, 45 tuổi, Huế)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Về nguyên tắc, thời gian dùng điện không ảnh hưởng tới việc tiết kiệm điện, cụ thể sử dụng điện vào giờ cao điểm sẽ không tốn điện năng hơn ở những thời điểm khác trong ngày.

Theo quy định về biểu giá điện hiện nay thì giá điện cho sản xuất và kinh doanh sẽ có mức khác nhau vào các khung giờ (cao điểm, trung bình và thấp điểm). Khung giờ cao điểm sẽ có mức giá cao nhất, sau đó tới khung giờ bình thường và thấp điểm. Biểu giá này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sử dụng điện một cách hiệu quả, tiết kiệm. Chúng tôi khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, bố trí dây chuyền sản xuất, kinh doanh vào các khung giờ thấp điểm để tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

- Bình nóng lạnh thì nên bật để cả ngày hay chỉ nên bật trước khi sử dụng 15-20 phút? (Ngọc Tuấn, 26 tuổi, Cao Bằng)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Về nguyên tắc, chúng ta không bật bình nóng lạnh cả ngày vì hai lý do: Tiết kiệm năng lượng và yếu tố an toàn.

Khi bình nóng lạnh đủ nhiệt độ, bình sẽ ngắt, tuy nhiên nước nóng trữ trong bình sau khi đã đạt nhiệt độ để lâu không sử dụng thì sẽ bị nguội đi do tổn thất nhiệt. Nếu cắm liên tục, nguồn điện sẽ nuôi cho tổn thất nhiệt qua thành của bình nóng lạnh, con số tổn thất này khoảng 10-20% tùy từng loại bình.

Mặt khác, các bình nóng lạnh hiện nay đều có automat để tự ngắt và bảo vệ. Tuy nhiên, với một số bình theo thời gian có thể độ nhạy sẽ bị suy giảm, dùng lâu ngày có khả năng gây rò điện.

Do vậy, chúng ta không nên bật bình liên tục, chỉ nên bật khoảng 30 phút trước khi dùng.

- Gia đình tôi thường có nhiều thiết bị sau khi tắt vẫn cắm điện như tivi, dàn loa, đầu kỹ thuật số, mordem, sạc điện thoại... Việc cắm chúng vào ổ điện liên tục như thế có ảnh hưởng gì đến thiết bị hay tiêu tốn điện không? (Minh An, 37 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: các thiết bị điện (TV, dàn loa, sạc điện thoại, đầu kỹ thuật số...) khi không sử dụng, cắm liên tục, để ở chế độ chờ (Standby) vẫn tiêu tốn điện, có thể chiếm tới 10% trong tổng lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình. Vì vậy, nếu không sử dụng các thiết bị điện, bạn nên tắt hẳn để tiết kiệm điện.

- Sử dụng bóng đèn led tiết kiệm điện nhiều hơn bóng đèn thường bao nhiêu %?(Hà Kiều Anh, 25 tuổi, Hoa Lư, Ninh Bình)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Sử dụng bóng đèn led tiết kiệm hơn bóng sợi đốt. Nếu bóng led đạt chuẩn, một bóng led cùng độ sáng với một bóng đèn sợi đốt, thì lượng điện tiêu thụ của bóng đèn led đó bằng 1/8 đến 1/10 so với bóng đèn sợi đốt.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Tủ lạnh nhà tôi bị hỏng dàn làm mát, tủ bị kêu to lâu ngày gia đình tôi mới đem đi sửa. Điều này có làm tăng giá điện sinh hoạt nhà tôi tháng đó không? (Thu phương, 31 tuổi, Vĩnh Phúc)


- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Đúng ra phải biết tủ lạnh nhà bạn cụ thể là hỏng cái gì, nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến hỏng dàn làm mát mới có thể kết luận điện tiêu thụ tốn hơn hay không.

- Thưa ông, làm cách nào để tiết kiệm điện khi ngày hè nhu cầu dùng quạt, điều hòa, đèn... đều gia tăng? (Ánh Dương, 45 tuổi, Bà Triệu, Hà Nội)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Để tiết kiệm điện hộ gia đình một cách tổng thể, trước hết bạn nên đánh giá việc sử dụng điện trong gia đình như thế nào, đã hợp lý chưa, tiếp theo bạn nên lựa chọn và trang bị những thiết bị điện có hiệu suất cao, tiết kiệm điện (là các thiết bị được dán nhãn so sánh hoặc nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng - ngôi sao năng lượng, do Bộ Công Thương quy định), đặc biệt là các thiết bị điện có mức tiêu thụ điện nhiều như điều hoà, tủ lạnh, máy giặt, mấy sấy, bơm điện...

Về điều hòa, bạn nên đặt ở nhiệt độ 26 độ C hoặc cao hơn, kết hợp sử dụng quạt sẽ giúp tiết kiệm điện hơn; thay thế đèn chiếu sáng (đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact) bằng đèn LED sẽ tiết kiệm 50 - 75% điện năng tiêu thụ.

- Quạt trần, quạt thường, quạt điều hòa, quạt hơi nước, thứ tự quạt tốn điện nhất như thế nào, và nên dùng quạt nào là hợp lý, tiết kiệm điện năng? (Chi, 40 tuổi, Vinh, Nghệ An)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Với ý này, chúng ta phải căn cứ vào công suất định mức của nhãn quạt (thống số kỹ thuật cụ thể của từng sản phẩm), thứ hai là số sao năng lượng trên quạt (càng nhiều sao càng tiết kiệm năng lượng) để có câu trả lời chính xác.

- Trong trường hợp nào nên sử dụng năng lượng mặt trời thay vì điện? (Huệ, 40 tuổi, TP HCM)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Ở nước ta có tiềm năng về điện mặt trời rất lớn, hiện nay, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích người dân, nhà đầu tư lắp đặt điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời áp mái (ĐMTAM), vì vậy bạn có thể đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái, nếu nhà của bạn có diện tích mái phù hợp.

Việc sử dụng ĐMTAM sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí tiền điện, đặc biệt khi gia đình bạn có mức tiêu thụ điện từ hơn 200 kWh/tháng trở lên. Ngoài ra, bạn có thể thu thêm được một khoản tiền thanh toán từ phía đơn vị Điện lực cho lượng điện dư phát lên lưới điện (không sử dụng) của gia đình bạn.

- Tôi muốn hỏi là dùng bếp gas hay bếp điện (bếp từ) thì tiết kiệm hơn? (Minh Triều, 30 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Nếu so sánh về tiền, bếp từ chắc chắn tiết kiệm hơn, vì tiền điện của Việt Nam hiện tại so với các nước trong khu vực rẻ.

Tuy nhiên về mặt tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường thì chưa chắc, cái này phải so sánh với từng hoàn cảnh cụ thể.

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

- Sử dụng điều hoà như thế nào cho hiệu quả? (Ngọc, 25 tuổi, Quang Trung, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

1. Chọn, lắp điều hòa (đầu tư)

Chọn điều hòa không khí càng nhiều sao càng tốt, ưu tiên điều hòa biến tần. Mỗi một loại điều hòa không khí có mức công suất lạnh khác nhau sẽ thích hợp với các phòng có diện tích khác nhau:

9000BTU/h thích hợp phòng từ 10÷16m2  

12000BTU/h thích hợp phòng từ 12÷22m2 

18000 BTU/h thích hợp phòng từ 18÷36m2

Không nên tùy tiện lắp đặt điều hòa không khí (ĐHKK) cho các phòng lớn hơn, tránh tình trạng ĐHKK chạy quá tải không tiết kiệm điện, mau hỏng

Lắp đặt ĐHKK phải theo đúng quy phạm kỹ thuật do nhà sản xuất yêu cầu. Khoảng cách dàn nóng dàn lạnh; tỷ lệ ga nạp bổ sung; dàn nóng phải đặt ở vị trí thông thoáng, tránh bị mặt trời chiếu trực tiếp; bảo ôn đường ống phải đảm bảo tiêu chuẩn.

2. Bảo trì bảo dưỡng (đầu tư). 

Chúng ta nên thường xuyên làm vệ sinh rửa các tấm lọc bụi ở dàn lạnh. Trung bình một tháng một lần. Ở những nơi nhiều bụi có thể vài tuần một lần;

Dàn nóng trước mỗi mùa sử dụng nên được bảo dưỡng kỹ. Kiểm tra, nạp thêm ga nếu cần, hộp đấu điện. Xịt rửa dàn nóng sạch sẽ khỏi bị bám bụi. Nếu có điều kiện, hoặc ở những nơi bẩn dàn nóng nên được rửa thường xuyên vài tháng một lần

3. Đặt, kiểm soát nhiệt độ (hành vi), hẹn giờ.

- Khi mới bật ĐHKK để mát nhanh chúng ta nên bật nút Turbo, hoặc Power Full... (tùy loại ĐHKK) ở chế độ này ĐHKK sẽ chạy ở chế độ cho năng suất lạnh cũng như tốc độ quạt cao nhất thường trong vòng 30 phút để làm lạnh nhanh phòng, sau đó chuyển về chế độ thường mà ta đã cài đặt;

- Nhiệt độ đặt của ĐHKK không nên để quá thấp. Để tiết kiệm điện cũng như là đảm bảo điều kiện tiện nghi và sức khỏe, chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ buồng và ngoài trời không nên vượt quá 7÷10oC, trừ trường hợp ngoài trời rất nóng. Tương ứng với điều này là nhiệt độ cài đặt khuyến cáo là 26÷28oC ban ngày, còn tối và đêm nhiệt độ này 25÷27oC. Để chênh lệch nhiệt độ lớn hơn rất nguy hiểm cho người già, trẻ em. Đặc biệt người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, hoặc bệnh đường hô hấp;

- Đối với buổi đêm ở trong phòng ngủ, khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng chế độ ngủ  SLEEP mode . Ở chế  độ này tùy loại máy sau khoảng 1-2h nhiệt độ cài đặt sẽ tăng lên 1oC cho tới khi đạt 28÷29oC thì máy sẽ giữ nguyên trạng thái

4. Kết hợp sử dụng quạt (hành vi) (ví dụ: bật điều hòa ở 28 độ C kèm theo quạt sẽ tiết kiệm hơn 2 – 3% điện năng tiêu thụ). 

- Một sai lầm phổ biến ở người tiêu dùng là muốn làm mát nhanh phòng, hoặc muốn có cảm giác lạnh sâu thường để nhiệt độ cài đặt rất thấp thường chỉ 22÷24oC. Ở nhiệt độ này vừa không lợi cho sức khỏe ĐHKK vừa rất tốn điện. Thật ra cảm giác mát mẻ là do khả năng thoát nhiệt và bay hơi mồ hôi từ bề mặt da người quyết định. Do đó cảm giác dễ chịu có thể đạt được trong trường hợp chúng ta để nhiệt độ cài đặt ở 26÷27oC nhưng dùng thêm quạt đảo gió (quạt cây, quạt trần). Trường hợp này người sử dụng sẽ có cảm giác mát như chúng ta cài đặt nhiệt độ 22÷24oC, mà nhiệt độ buồng lại rất đồng đều có lợi cho sức khỏe và lại tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ 3%;

5. Đóng cửa ra vào, cửa sổ, không để thoát nhiệt...(hành vi). 

- Đối với những buồng có cửa sổ, chúng ta nên có các rèm che, màn chắn để giảm bức xạ mặt trời trực tiếp vào buồng làm tăng điện năng tiêu thụ; ra vào đóng cửa, thông gió hợp lý.

6. Sinh hoạt chung một phòng, hạn chế bật máy điều hòa (hành vi). 

Buổi tối để tiết kiệm điện có thể nên sinh hoạt chung trong một phòng để hạn chế không bật cùng một lúc nhiều ĐHKK khi chưa cần thiết

7. Mặc quần áo mát, thoáng (khi có thể). 

Để tăng nhiệt độ cài đặt tới 27oC giảm điện năng tiêu thụ có thể học kinh nghiệm của người Nhật mùa hè tránh dùng áo dày như comple, hay dùng caravat nếu không thật cần

8. Trồng thêm các cây xanh

Bố trí các cây cảnh trên các ban công, tường hướng tây, đông để giảm bớt ảnh hưởng trực tiếp của bức xạ mặt trời. 

- Thưa ông Trần Viết Nguyên, ông chia sẻ như thế nào về việc nhiều gia đình không có ai ở nhà (hầu như không dùng điện) vậy mà cuối tháng vẫn nhận hóa đơn lên tới mấy trăm nghìn tiền điện? (Văn Trường, 49 tuổi, Quảng Nam)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Mặc dù gia đình bạn không có ai ở nhà nhưng bạn cũng nên lưu ý đối với các thiết bị điện có cắm vào ổ điện, ở chế độ chờ (standby), thì các thiết bị điện này vẫn tiêu thụ điện, tổng lượng điện tiêu thụ của các thiết bị điện này có thể lên tới 10% điện năng tiêu thụ toàn gia đình. Bạn nên tắt hoặc rút phích điện khi không sử dụng các thiết bị này, thay vì sử dụng các điều khiển để tắt.

Nếu có thắc mắc về hoá đơn tiền điện, bạn có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm chăm sóc khách hàng ở các khu vực (miền Bắc: 1900 6769; miền Trung: 1900 1909; miền Nam: 1900 1006; Hà Nội: 1900 1288; TP HCM: 1900 545454) để được giải quyết.

- Về cơ bản một người sẽ dùng hết bao nhiêu số điện một tháng trong dịp hè?(Linh, 33 tuổi, TP HCM)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Điều này phụ thuộc vào ngôi nhà bạn đang sống, mục đích sử dụng điện, thứ hai là mức sống, thói quen tiêu dùng của mỗi gia đình. Ví dụ, chung cư 100m2 có mức tiêu thụ điện khác với nhà 5 tầng to rộng.

Buổi tư vấn nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.
Buổi tư vấn nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.

- Chế độ auto của điều hòa có tác dụng như thế nào? vì thường để chế độ này tôi thấy mát không đều lắm. (Nam, 46 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Trong điều hòa có những cảm biến nhiệt độ, với những cảm biến nhiệt độ, điều hòa sẽ tự phân biệt chế độ thời tiết thuộc về mùa nóng hay lạnh để chuyển sang chế độ sưởng ấm hay làm lạnh. Như vậy, với chế độ auto, người sử dụng không cần quan tâm chỉnh, chỉ cần bật máy là nó sẽ tự thay đổi theo thời tiết.

Tuy nhiên, chế độ này thường chỉ phù hợp với người chưa thành thạo sử dụng, như người già và trẻ em... Còn với người bình thường, chúng ta nên tự chọn chế độ để đạt mức độ sử dụng phù hợp với nhu cầu của mình.

- Đèn chiếu sáng gây tốn điện như thế nào? (Vân, 25 tuổi, Vũng Tàu)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: đèn chiếu sáng hộ gia đình phổ biến hiện nay có 3 loại cơ bản (đèn tròn sợi đốt, đèn huỳnh quang tuýp/compact và đèn LED). Mỗi loại đèn đều có mức công suất (tiêu thụ điện khác nhau).

Để cho ra ánh sáng tiêu chuẩn, đèn sợi đốt có công suất 60W/bóng; đèn huỳnh quang tuýp/compact có công suất 13 - 18W/bóng và đèn LED có công suất từ 5 - 9W/bóng.

Như vậy, đèn LED là đèn tiết kiệm điện nhất, tiếp theo là đèn huỳnh quang tuýp/compact và sau cùng là đèn sợi đốt. Bạn nên sử dụng đèn LED bởi chi phí hiện nay khá hợp lý, nhưng mức tiết kiệm và tuổi thọ tốt hơn nhiều so với đèn huỳnh quang và sợi đốt.

- Nên bảo dưỡng điều hòa như thế nào để vừa bền lại tiết kiệm điện năng?(Hoài Sa, 50 tuổi, Vĩnh Phúc)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Bạn cần bảo dưỡng định kỳ trước, trong và sau mùa nắng nóng. 

Trước mùa nắng nóng: thuê chuyên gia bảo dưỡng điều hòa, kiểm tra vận hành điều hòa như kiểm tra gas xem automat có hoạt động không...

Trong mùa nắng nóng, dùng điều hòa liên tục: bạn nên làm sạch lưới lọc mỗi tháng một lần.

Kết thúc mùa nắng nóng: cần bảo dưỡng và làm sạch điều hòa để đảm bảo an toàn suốt quá trình sử dụng.

- Thưa các chuyên gia, ở nhà sau khi bật điều hòa được khoảng 30 phút đến 1 tiếng, chồng tôi thường chuyển sang chế độ Econavi? Xin hỏi, tác dụng của công nghệ này? (Huyền Thư, 29 tuổi, Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Về bản chất, chế độ Econavi là chế độ điều hòa tự nhận biết có người trong buồng điều hòa hay không. Nếu có người sử dụng tạo ra phông nhiệt, điều hòa sẽ hoạt động, nếu người đi ra khỏi phòng - không có phông nhiệt, điều hòa sẽ dừng hoạt động, chuyển sang chế độ standby. Vậy nên, chồng bạn sử dụng như thế là hợp lý và tiết kiệm điện.

- Nếu đặt điều hòa ở nhiệt độ 25 độ C, 26 độ C, 27 độ C thì tốn bao nhiêu điện năng, bao nhiêu tiền mỗi ngày/ tháng? (Đức Anh, 34 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Cứ tăng nhiệt độ cài đặt 1oC điện năng tiêu thụ giảm khoảng 2%. Tức là nếu tăng nhiệt độ cài đặt lên 2oC một điều hòa không khí 12000BTU/h tiết kiệm khoảng 4% điện năng tương đương 8-10 số điện  hay 20.000-30.000 đồng.

- Khi nào nhà nước sẽ điều chỉnh lại giá điện bậc thang để phù hợp với tình hình sử dụng điện của người dân hiện nay? Xin cảm ơn! (Bảo Nguyễn, 31 tuổi, Phường An Bình, Biên Hoà, Đồng Nai)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Để sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả, bạn cần nhiều giải pháp tuỳ vào từng thiết bị, trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc chung, đầu tiên đó là thói quen sử dụng: mọi người nên tập thói quen tiết kiệm điện như: tắt khi không sử dụng, không để thiết bị điện ở chế độ chờ (standby); vệ sinh điều hoà định kỳ, đặt nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, hạn chế bị mất nhiệt trong phòng vào mùa nắng nóng; sử dụng đúng chế độ vận hành của thiết bị; sử dụng những thiết bị điện có hiệu suất cao, tiết kiệm điện, các thiết bị dán nhãn ngôi sao năng lượng; sử dụng các giải pháp năng lượng mặt trời (bình đun nước nóng năng lượng mặt trời thay bình đun nước nóng bằng điện; sử dụng điện năng lượng mặt trời)...

- Mức tiết kiệm điện giữa các điều hòa dán nhãn so sánh tiêu thụ năng lượng (1 sao, 2 sao, 3 sao, ...5 sao)? (Anh Tâm, 38 tuổi, Khánh Hòa)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Theo quy định của Bộ Công Thương, đối với điều hòa, mỗi mức sao năng lượng sẽ chênh lệch khoảng 6-7%, giữa một sao và 5 sao chênh nhau khoảng 25% công suất điện tiêu thụ. Do đó, khi mua điều hòa, chúng ta nên lựa chọn điều hòa càng nhiều sao càng tốt, trên cơ sở giá thành.

- Điều hòa nhiệt độ có biến tần, tiết kiệm hơn điều hòa nhiệt độ không biến tần như thế nào? (Thành Nam, 40 tuổi, TP HCM)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Đối với điều hòa không khí không biến tần khi nhiệt độ trong phòng được hạ xuống thấp hơn nhiệt độ được cài đặt từ điều khiển cầm tay, cảm biến nhiệt độ sẽ ngắt điện cấp cho ĐHKK, trừ quạt dàn lạnh. Khi nhiệt độ trong phòng tăng lên cảm biến nhiệt độ lại đóng điện cấp cho ĐHKK để tiếp tục làm lạnh. Như vậy ĐHKK không biến tần sẽ đóng tắt theo chu kỳ phụ thuộc vào điều kiện sử dụng và khí hậu. Mỗi lần bật tắt như vậy sẽ làm gia tăng tiêu thụ điện.

ĐHKK biến tần lại hoạt động theo nguyên tắc khác. Khi nhiệt độ trong phòng đạt được nhiệt độ cài đặt, cảm biến nhiệt độ sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển tần số của nguồn điện cấp cho động cơ máy nén (block), làm thay đổi tần số từ đó làm động cơ máy nén quay chậm lại giảm công suất lạnh và tương ứng điện năng tiêu thụ của ĐHKK. Khi nhiệt độ tăng lên quá trình diễn ra ngược lại, tần số điện tăng và tốc độ vòng tua động cơ máy nén tăng lên để tăng công suất lạnh. Với phương pháp này ĐHKK không phải tắt bật theo chu kỳ làm giảm chi phí điện năng khi ĐHKK hoạt động ở chế độ non tải. 

Do đó có thể thấy nếu sử dụng ĐHKK biến tần thay thế cho ĐHKK không biến tần cho cùng một căn phòng với cùng một điều kiện, ĐHKK biến tần sẽ tiết kiệm điện hơn ĐHKK thường khi được hoạt động trong chế độ không đầy tải. 

Tuy nhiên nếu ĐHKK biến tần luôn hoạt động ở tải định mức khoảng 100% thậm chí quá tải, lúc đó ĐHKK biến tần sẽ không tiết kiệm điện, thậm chí  còn tốn điện hơn ĐHKK không biến tần do ĐHKK biến tần ngoài làm lạnh còn tiêu thụ thêm điện cho bộ biến tần.

Nhiều thắc mắc của độc giả về cách sử dụng điện tiết kiệm được hai chuyên gia giải đáp.
Nhiều thắc mắc của độc giả về cách sử dụng điện tiết kiệm được hai chuyên gia giải đáp.

- Có nên sử dụng điều hoà và quạt cùng lúc? (Ngoc, 25 tuổi, Quang Trung, Ha Noi)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Khẳng định là có. Chúng ta có thể kết hợp sử dụng điều hòa và quạt để tăng tốc độ lưu chuyển của không khí trong phòng và giảm tiêu thụ điện của điều hòa bằng cách nâng nhiệt độ cài đặt của điều hòa lên. 

Ví dụ, nếu cài đặt nhiệt độ điều hòa trong phòng 27 độ kết hợp sử dụng quạt cây đảo gió tiêu thụ điện khoảng 100W thì sẽ cho hiệu quả như chúng ta cài đặt điều hòa ở mức 22 độ C. Trong trường hợp này tiết kiệm được năng lượng khoảng 3%.

- Em chào thầy ạ, em thưa thầy theo như em quan sát thì nước có trong phích nước nhiệt độ chưa đạt tới 100 độ thậm chí có khi chỉ còn 60 độ nhưng khi mở lắp ra thì hơi nước bay lên khá nhiều. Em thấy cái này khá mâu thuẫn với đồ thị logp-i của hơi nước ạ. Cho em hỏi cái đồ thị của hơi nước đó áp dụng cho điều kiện gì ạ vì em thấy thấy ở dưới 100 độ, p=1bar thì là trạng thái lỏng chưa sôi mà nếu nước có lẫn hơi thế này rất dễ sảy ra hiện tượng xâm thực khi bơm.(Nguyễn Văn Thuận, 21 tuổi, Bắc Giang)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Đây là câu hỏi chuyên ngành sâu của ngành nhiệt lạnh. Hơi nước ở trong phích của em gọi là hơi nước bão hòa (ở dạng cân bằng giữa pha lỏng và pha hơi). Áp suất này chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ. Như vậy, không phải chỉ ở 100 độ C, nước mới tồn tại ở dạng hơi, mà ở ngay cả nhiệt độ không khí thường nước vẫn tồn tại ở dưới dạng hơi nhưng nhỏ, và nước ở dưới dạng hơi này tạo ra độ ẩm của không khí.

Do đó, có thể nói rằng ở mỗi một nhiệt độ nước đều có ở dạng hơi chỉ là dạng hơi là bao nhiêu thì phụ thuộc vào trạng thái nhiệt độ của hơi nước.

- Nhà tôi sử dụng điều hòa, có rèm và đã che các khe hở trên cửa sổ.
Hiện tại, chỉ có 1 khe nhỏ tại cửa ra vào. Khi bật điều hòa, tôi vẫn thấy có 1 luồng hơi lạnh nhỏ tràn ra khe đó. Vợ tôi không cho bịt khe lại, vì sợ không có không khí lưu thông. Xin hỏi như thế có đúng không?
 (Trần Trọng Hoa, 29 tuổi, Đức Giang, Long Biên Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Trong trường hợp này, vợ anh đã thực hiện đúng vì chúng ta thường có quan niệm không chính xác là trong phòng điều hòa càng kín càng tốt. Điều này đúng về mặt tiết kiệm năng lượng nhưng còn điều quan trọng nữa là đảm bảo điều kiện vệ sinh và tiện nghi cho người sử dụng điều hòa. Điều kiện này được đảm bảo bằng yêu cầu cung cấp mỗi giờ từ 20-30m3 không khí tươi ở ngoài trời vào bên trong phòng. Nếu không đảm bảo điều kiện cấp khí tươi này thì nồng độ CO2 sẽ tăng lên làm cho người ở trong không gian đấy mệt mỏi, giảm khả năng làm việc. Nếu lâu dài sẽ không tốt cho các bệnh về hô hấp.

- Nguyên lý hoạt động của máy điều hòa nhiệt độ như thế nào? (Trang, 30 tuổi, Hà Nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng:

Trong tự nhiên nhiệt luôn được truyền từ nơi có nhiệt độ cao tới nơi có nhiệt độ thấp. ĐHKK là một thiết bị sử dụng điện năng để thực hiện một quá trình ngược lại là thụ nhiệt tỏa ra trong nhà (ở nhiệt độ thấp) thông qua dàn lạnh để làm mát, sau đó thải nhiệt này cùng nhiệt do điện năng cấp vào thiết bị ra ngoài trời ở dàn nóng (ở nhiệt độ cao). Khi dàn lạnh thu nhiệt làm mát trong nhà sẽ làm ga lạnh trong dàn sôi thành hơi; hơi của ga lạnh được máy nén (block nén) nén lên nhiệt độ cao hơn nhiệt độ ngoài trời để thải nhiệt ra ngoài trời ở dàn nóng; hơi ga lạnh sau khi thải nhiệt ở dàn nóng sẽ ngưng tụ lại thành lỏng và được đi qua thiết bị dãn nở để hạ nhiệt độ và đi vào dàn lạnh thu nhiệt tỏa ra trong nhà. Quá trình trên lặp đi lặp lại trong ĐHKK làm mát không gian, tuy nhiên làm tiêu tốn điện năng.

- Với các vật dụng chủ yếu trong từng gia đình như: nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi, máy giặt, đèn thắp sáng, nên giảm khoản nào để tiết kiệm điện? (Minh Hương, 35 tuổi, thủ đức, Tp.HCM)

- Ông Trần Viết Nguyên:

Theo nghiên cứu của Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì điện năng tiêu thụ bình quân/tháng của các thiết bị điện trong hộ gia đình, tương ứng là: điều hoà (30% điện năng tiêu thụ), tivi (24% điện năng tiêu thụ), tủ lạnh (16% điện năng tiêu thụ), đèn thắp sáng (15% điện năng tiêu thụ), nồi cơm điện (10% điện năng tiêu thụ), máy giặt (4,2% điện năng tiêu thụ)... Vì vậy, cách tốt nhất để tiết kiệm là sử dụng các thiết bị điện một cách hợp lý và tiết kiệm, ưu tiên các giải pháp tiết kiệm đối với các thiết bị có tiêu thụ điện năng lớn như điều hoà, tivi, chiếu sáng...

Vì thời gian có hạn nên các chuyên gia kết thúc phần phỏng vấn trực tuyến tại đây. Cảm ơn độc giả đã quan tâm theo dõi.

Theo VnExpress

Bài viết khác

ĐÁNH GIÁ VỀ BÀI VIẾT

avatar
Đánh giá:
Tin xem nhiều
Sản phẩm bán chạy

Sản phẩm đã xem